Chắc hẳn, chúng ta cũng đã từng đôi ba lần nghe đến câu nói “Của rẻ là của ôi”. Biết rằng, không phải ai cũng có điều kiện để mua được đèn LED tốt. Nhưng trước khi mua, bạn cũng nên tìm hiểu để tránh mất tiền lại rước bực vào thân.
Có nhiều yếu tố quyết định chất lượng của một chiếc đèn LED. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin tập trung phân tích nội dung về tiết kiệm năng lượng. Đây là vấn đề mà không phải ai cũng biết. Cụ thể, mời các bạn xem dưới đây:
Hầu hết các bộ phận của đèn đều ít nhiều ảnh hưởng đến điện năng tiêu thụ.
1. Chip LED:
Muốn biết đèn có tiết kiệm điện hay không, trước tiên bạn cần tìm hiểu về “hiệu suất phát sáng”. Đây là chỉ số thể hiện hiệu suất chuyển đổi điện năng thành quang năng của đèn. Hiệu suất phát sáng được tính bằng chỉ số quang thông (lumen) chia cho công suất (watt) và có đơn vị là lm/w. Hiệu suất càng cao tức là đèn cho quang thông lớn mà tiêu thụ năng lượng điện ít. Vậy! Bạn có biết bộ phận nào của đèn quyết định hiệu suất phát sáng này không? Đó chính là chip LED.
2. Bộ tản nhiệt (Vỏ đèn)
Bộ phận thứ 2 cực kỳ quan trọng, góp phần giảm lượng điện tiêu thụ là Bộ tản nhiệt. Nó có thể làm bằng nhôm hoặc bằng nhựa hay thậm chí là 1 tấm tản nhiệt, có vai trò giải phóng nhiệt lượng tỏa ra từ chip LED. Bộ tản nhiệt tốt, hiệu suất đèn sẽ cao. Nếu tản nhiệt không tốt, không những cho hiệu suất thấp mà đèn còn nhanh hỏng.
3. Nguồn driver
Bộ phận cuối cùng là nguồn driver. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc làm cho đèn phát sáng, cung cấp nguồn điện áp thích hợp và giúp đảm bảo ổn định hoạt động của đèn. Công suất điện của 1 cái nguồn không đáng kể, chỉ khoảng 2% – 5% tổng công suất của đèn. Nhưng nếu sử dụng nguồn chất lượng kém thì con số này có thể cao hơn nhiều, góp phần tăng công suất tổng của 1 chiếc đèn LED.